Bệnh chướng hơi dạ cỏ trên bò

Bệnh chướng hơi dạ cỏ ở loài nhai lại
1. Nguyên nhân
– Do trâu bò ăn phải những thức ăn dễ lên men, sinh hơi. Đặc biệt về mùa xuân trâu bò ăn nhiều cỏ xanh, cỏ non có chứa nhiều nước, chất nhầy; những thức ăn có chứa nhiều gluxit như bã mía, cặn đường, thân cây ngô, ngọn mía; thức ăn có nhiều chất nhầy như dây khoai lang; thức ăn có nhiều protit thực vật như bã đậu; thức ăn mất phẩm chất bị mốc, lúa ngập nước, cỏ úa; ăn phải cây có độc như lá sắn, lá xoan, măng tre hoặc các dạng thức ăn có chứa muối nitrit bên trong như cây bắp cải trắng, lá lim.
– Do chăn thả, lao động vào lúc giá rét, có nhiều sương muối.
– Do kế phát từ cảm nắng, bị què, bại liệt, ốm lâu ngày con vật không đi lại, nằm lì một chỗ.
– Kế phát từ bệnh tụ huyết trùng, liệt dạ cỏ, dạ cỏ bội thực, tắc thực quản, viêm họng làm con vật không ợ được hơi, viêm màng bụng.
2. Triệu chứng

Bệnh xuất hiện nhanh (sau khi ăn 30 phút – 1 giờ), khi bệnh mới phát con vật thường có các biểu hiện:

  • Bụng bị phình to, con vật bị đau bụng, đứng nằm không yên, thường đi quanh cọc, lấy đuôi quất mạnh vào vùng bụng trái.
  • Gõ vào hõm hông bên trái thấy âm trống chiếm ưu thế, âm đục, âm bùng hơi mất.
  • Ấn tay vào vùng dạ cỏ có cảm giác căng như ấn tay vào quả bóng cao su chứa đầy hơi.
  • Nghe vùng dạ cỏ thấy nhu động dạ cỏ lúc đầu tăng sau đó giảm dần rồi mất hẳn, chỉ nghe thấy tiếng nổ lép bép do thức ăn lên men.

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng trên càng trầm trọng hơn:

– Bụng con vật ngày càng phình to, vùng hõm hông bên trái lồi lên có khi cao hơn cả mỏm ngoài xương cánh hông.

– Gia súc đau bụng rõ rệt, vã mồ hôi, uể oải, hay sợ hãi, con vật ngừng ăn, ngừng nhai lại.

– Gia súc khó thở, tần số hô hấp tăng, dạng 2 chân trước ra để thở, hoặc thè lưỡi ra để thở.

– Hệ thống tuần hoàn bị rối loạn, máu ở cổ và đầu không dồn về tim được nên tĩnh mạch cổ phồng to, tim đập nhanh (140 lần/phút), mạch yếu, huyết áp giảm.

– Con vật có thể bị hôn mê rồi chết nhanh do bị ngạt và trúng độc. Lỗ mũi, hậu môn có khi có máu tươi, có hiện tượng lòi dom.

Do bệnh tiến triển rất nhanh, nên nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời con vật sẽ chết do rối loạn hô hấp và tuần hoàn: ngạt thở, trúng độc toan và xuất huyết não.

3. Điều trị
  • Hộ lý chăm sóc: Cho vật nhịn ăn 1 – 2 ngày, sau đó cho ăn rơm, cỏ khô, không cho ăn thức ăn xanh.
– Làm thoát hơi trong dạ cỏ bằng cách: Dắt gia súc lên dốc, thò tay déo lưỡi nhịp nhàng để kích thích sự ợ hơi, thổi và xát bột bồ kết vào cuống lưỡi để kích thích sự ợ hơi.
– Thải trừ các chất chứa trong dạ cỏ bằng các thuốc tẩy: Uống 300 – 500g MgSO4 hay Na2SO4, hoà trong 2 lít nước.
– Moi phân ở trực tràng, lấy rơm, dẻ bọc muối rang xát mạnh bên sườn, hông trái để kích thích nhu động dạ cỏ.
Chú ý: Khi gia súc bị chướng hơi cấp không được dùng Pilocarpin vì sẽ làm vỡ dạ cỏ hay làm gia súc tăng tiết nước bọt, con vật sẽ bị sặc.
– Dùng các thuốc ức chế sự lên men sinh hơi: Ichthyol 20-25 g/con; Formol 10 – 15 ml và NH4OH 15ml/con; rượu cồn tỏi (50gram tỏi bóc vỏ giã nát hoà trong 300ml rượu/con); cho uống nước lá thị sắc 500 – 1000ml; nước dưa chua 500ml…
– Chú ý: cho hơi ra từ từ tránh gia súc bị sốc, chết do tụt máu não.
  • Trong trường hợp chướng hơi cấp tính có thể dùng ống Trôca để chọc thủng dạ cỏ để thoát hơi.
  • Dùng kháng sinh để chống các bệnh kế phát trong trường hợp bệnh nặng, viêm nhiễm, viêm dạ tổ ong, viêm dạ múi khế, viêm dạ lá sách…Có thể dùng một trong số các thuốc sau:

– Tiêm CEFQUINOM 150 với liều 1ml/20-25kg TT/ngày (An toàn cho trâu bò mang thai và cho con bú, không bị mất sữa ở bò sữa, không tồn dư kháng sinh)

– Hoặc CEFANEW-LA với liều 1ml/45-60kg TT.

     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *